
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỲNH LƯU 3 - 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ( 1975- 2020)
Trường THPT Quỳnh Lưu 3 đóng tại xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Phía Tây giáp sông Mơ, phía đông cách bờ biển hơn 1km.
Trường được hình thành từ tháng 10 năm 1974 đóng tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Thuộc một phân hiệu của trường cấp 3 Quỳnh Lưu 2. Gần một năm sau, theo Quyết định 936/QĐ ngày 5/9/1975 của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, trường chính thức ra đời và đóng trên đất làng Văn Thống xã Quỳnh Lương. Đây là một sự kiện quan trọng có tầm chiến lược của UBND Tĩnh Nghệ Tĩnh và huyện Quỳnh Lưu, nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục và nâng cao dân trí của nhân dân vùng ven biển. Tạo điều kiện thuận lợi để con em trong vùng hoàn thành bậc học cuối cùng của hệ thống giáo dục phổ thông.
Buổi ban đầu trường mới chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 với 15 lớp học, 38 giáo viên và 676 học sinh. Thầy Hoàng Văn Tiếp Hiệu trưởng, thầy Trần Huy Nguyên, Hồ Vĩnh Truyền, Trần Văn Tài, Chu Ngọc Dụ, Vương Đình Lợi, Phạm Ngọc Hiền, Phạm Văn Phùng, Bùi Duy Trường , Hoàng Cường ,cô Hồ Thị Nương, Hồ Thị Vinh, Bùi Thị Toàn … là thế hệ đầu tiên góp nhiều công sức cho sự ổn định của trường. Năm học 1975-1976 có 149 học sinh tốt nghiệp ra trường
Thời gian cuối thập kỷ 70 với sự dìu dắt của các thầy giáo Hoàng Văn Tiếp, Hồ Minh Phượng, Vương Đình Lợi, Hồ Sỹ Lý và các thầy cô giáo tâm huyết nhiệt tình, nhà trường đã nhanh chóng đi vào quỹ đạo chung của hệ thống giáo dục tỉnh nhà. Chỉ hơn 4 năm sau ngày thành lập, trường đã khẳng định được mình và cho ra lò những mẻ gang chất lượng.
Những năm của thập kỷ 80 là những năm trường đi vào ổn định và phát triển. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các năm đạt 92% đến 95%. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, có em đạt học sinh giỏi quốc gia. Trong thời gian này quy mô trường ngày càng mở rộng, số lớp ngày càng tăng, chất lượng ngày càng nâng cao, tập thể thầy cô giáo đồng tâm nhất trí đoàn kết một lòng. Từng giai đoạn, từng thời kỳ đều có những điển hình tiêu biểu. Từ thế hệ đầu tiên như thầy Tiếp, thầy Phượng, thầy Nguyên, thầy Lợi, thầy Quang, thầy Cường, thầy Đặng, thầy Dụ, cô Toàn, cô Hợi, cô Nương đến những thế hệ tiếp theo như thầy Lý, thầy Tài, thầy Cầu, thầy Pháp, thầy Quế, cô Hạ…đầu những năm 80 có thêm những giáo viên như thầy Nguyễn Đình Phượng, thầy Trinh, thầy Thiêm, thầy Từ, thầy Long, thầy Tùng… Năm 1984, Thầy Hồ Hoạt ở trường Tây Hiếu chuyển về làm Phó hiệu trưởng. Tất cả đã xác định cho mình tư tưởng, hình thành phong cách, khẳng định tay nghề. Có thể nói những thế hệ thầy cô giáo của 2 thập kỷ 70 và 80 là những người có những đóng góp lớn cho sự phát triển và tên tuổi của trường THPT Quỳnh Lưu 3.
Trong những năm 90, với làn gió đổi mới của đất nước đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục. Song cũng đã nảy sinh những khó khăn không nhỏ. Trường Quỳnh Lưu 3 cũng nằm trong tình hình chung ấy. Những năm 1991, 1992, 1993 số lớp giảm một cách đáng ngại. Từ 20 lớp xuống còn 10 lớp, từ gần 1000 học sinh xuống còn 380 học sinh. Trường đứng trước một thử thách lớn và có thể sát nhập với trường cấp 2 để tồn tại. Cuộc giảm biên khá phức tạp, tư tưởng thầy trò dao động. Trước tình hình đó lãnh đạo trường cùng 26 thầy cô giáo còn trụ lại tiếp tục chèo chống lái con thuyền nhà trường vượt qua ghềnh thác. Năm học 1993-1994 thầy Hồ Sỹ Lý- bí thư chi bộ được bổ nhiệm làm hiệu trưởng thay thầy Hoàng Văn Tiếp nghỉ hưu, tiếp tục dẫn dắt nhà trường từng bước đi lên. Khó khăn được khắc phục dần dần, số lớp lại tăng nhanh, từ 10 lớp năm 92 tăng 20 lớp năm 1996 và 32 lớp năm 2000. Từ 378 học sinh tăng lên hơn 1600 học sinh. Trường đã thoát ra khỏi tình hình khó khăn để tiếp tục phát triển và khằng định được sức mạnh vươn dậy về mọi mặt. Thời gian này lực lượng thầy cô giáo được cũng cố và bổ sung sau cuộc giảm biên. Thầy Nguyễn Đình Phượng, Trần Văn Tài, Vũ Ngọc Pháp, Trần Hải Dương, Cù Nguyên Long, Hồ Minh Tùng, Trần Xuân Các, Lê Văn Toàn, Bùi Sỹ Bưu, Hoàng Thị Trung… đã phát huy được sức sáng tạo của mình. Đứng bên cạnh các thầy cô giáo đầy kinh nghiệm là một lực lượng giáo viên trẻ tiếp tục góp sức mình vào sự lớn mạnh của nhà trường.
Trước tình hình mới, ban giám hiệu và lãnh đạo nhà trường đã triển khai có chất lượng các mặt giáo dục toàn diện, chú trọng chất lượng mũi nhọn và đại trà, chú trọng giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, triển khai việc dạy nghề cho học sinh và đẩy mạnh các mặt thi đua. Tất cả đã đem lại hiệu quả cao trên mọi phương diện. Từ tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đến kết quả những lần thi học sinh giỏi và nhất là học sinh đậu vào các trường đại học và đại học vượt bậc so với trước.
Trong nhưng năm của thập kỷ 2000, trường tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, giữ vững những thành tích đã đạt được. Đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh trước những phức tạp của xã hội. Cũng cố tinh thần đoàn kết, dân chủ trong trường học. Đẩy mạnh công tác chuyên môn… và trường đã có được những kết quả rất đáng trân trọng. Nhất là năm học 2004-2005, bộ mặt nhà trường như được đổi mới. Chất lượng giáo dục tiếp tục đi lên. Hoạt động chuyên môn khởi sắc, sôi nổi. Tất cả mọi hoạt động của các đoàn thể được phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện tốt nhất cho công việc dạy và học.Năm 2005, thầy Hồ sỹ Giáp, phó hiệu trưởng được bổ nhiệm là hiệu trưởng của trường, thay thầy Hồ sỹ Lý nghỉ hưu.Năm 2004 thầy Nguyễn Đình Phượng được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng . Năm 2006 cô Trần Thị Hồng được bổ nhiệm phó Hiệu trưởng, thầy Lê Đức Thục Phó hiệu trưởng trường THPT Quỳnh Lưu 2 chuyển về làm Phó hiệu trưởng.Tháng 4 năm 2010 thầy Nguyễn Đình Phượng được đề bạt làm Hiệu trưởng thay thầy Giáp về nghỉ hưu.Tháng 05 năm 2010 thầy Nguyễn Bá Tình và thầy Hồ Trường Sơn tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng. Từ đây với sự lãnh đạo của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Phượng và 3 Đ/C phó Hiệu trưởng ( Trần Thị Hồng , Nguyễn Bá Tình , Hồ Trường Sơn), nhà trường đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Với một tập thể ban giám hiệu tràn đầy sức trẻ và nhiệt huyết, đoàn kết nhất trí, đã đưa trường THPT Quỳnh Lưu 3 vào quỹ đạo chung của nền giáo dục hiện đại. Trường đã tiến những bước tiến vững chắc về tất cả mọi mặt. Chất lượng giảng dạy được khẳng định bằng việc nhiều giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường ,cấp tỉnh, nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt bậc 4, nhiều học sinh đạt giải nhất giải nhì trong các đợt thi học sinh giỏi tỉnh, số lượng học sinh đậu vào các trường đại học ngày càng tăng, có em đạt điểm cao vào tốp 50 em của cả nước.
Song song với sự phát triển về chất lượng giáo dục của việc dạy và học là những bước phát triển về quy mô của trường. Năm học đầu tiên năm 1975, chỉ có 5 lớp, có thời điểm trường đã lên tới 43 lớp. Từ 676 học sinh, có giai đoạn đã hơn 2000 học sinh. Nay ổn định với 39 lớp học và hơn 1600 học sinh.Từ 38 thầy cô giáo buổi đầu nay đã có gần 100 cán bộ công nhân viên. Cơ sở vật chất từ 3 dãy nhà cấp 4 nay đã có một cơ ngơi khang trang. Với 42 phòng học cao tầng, nhà đa năng hiện đại với đầy đủ các phòng thực nghiệm, phòng thực hành tin học, phòng học máy chiếu…phòng làm việc của ban giám hiệu và các tổ chuyên môn, đoàn thể… Trường đáp ứng được yêu cầu học một ca mà bao lâu nay phụ huynh học sinh mong muốn. Hàng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 98% - 100%, số học sinh vào đại học cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đạt trên 45% . Đội ngũ giáo viên nhà trường luôn được chăm lo bồi dưỡng để nâng cao tay nghề. Nhiều giáo viên đã phấn đấu đạt giáo viên giỏi tỉnh và có 13 Thạc sỹ. Nhiều giáo viên được tặng huy chương, bằng khen Bộ GD&ĐT , BHXHVN, của tổng công đoàn Việt nam, bằng khen của trung ương Đoàn, của tỉnh…Nhiều học sinh được tặng bằng khen về thành tích học tập.Nhiều thầy cô giáo được tặng giấy khen của các cấp, các tổ chức đoàn thể, của ngành.
Về các tổ chức đoàn thể, nhà trường đặc biệt chăm lo xây dựng chi bộ Đảng, chi bộ đã lãnh đạo toàn diện các hoạt động nhà trường. Nhiều năm liên tục chi bộ được công nhận trong sạch vững mạnh. Các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên đều được công nhận vững mạnh. Với sự phấn đấu của mình, nhiều năm trường được nhận cờ thi đua, tặng bằng khen cà công nhận là trường tiên tiến. Hiện nay trường đang từng bước phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học, cố gắng để xây dựng trường chuẩn quốc gia trong tương lai gần.
Đi suốt hơn 1/3 thế kỷ, qua bao nhiêu thử thách gian nan thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đến lực lượng thầy cô giáo… Vượt lên trên mọi khó khăn đó, trường THPT QL3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Từ mái trường này, hơn 15000 học sinh tốt nghiệp ra trường. Hơn 5000 học sinh vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Cũng từ mái trường này bao nhiêu người con đã trưởng thành, đã và đang cống hiến sức mình trên các lĩnh vực lao động sản xuất và chiến đấu góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực khoa học, trường đã có nhiều PGS, tiến sỹ, thạc sỹ hoặc học vị tương đương. Nhiều người đã trở thành lãnh đạo các cấp, các ngành, chính quyền từ xã, huyện, tỉnh và trung ương. Nhiều người đã trở thành tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp và cơ quan kinh tế. Tại mái trường này nhiều người đã lên đường nhập ngũ bảo vệ biên cương hải đảo tổ quốc và trở thành cán bộ cao cấp trong các lực lưỡng vũ trang và nhiều người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một người là anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Đặc biệt nhiều người đã trở thành nhà giáo ưu tú công tác trong và ngoài huyện. Trong số đó có 39 học sinh cũ trở về giảng dạy và công tác tại mái trường mà mình đã lớn lên. Ba học sinh cũ hiện giờ là hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường.
Bước vào giai đoạn mới, tập thể CBGV và học sinh trường THPT Quỳnh Lưu3 tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm nổ lực hết mình, giữ vững và nâng cao chất lượng dạy và học, đoàn kết, đồng tâm nhất trí đưa trường THPT QL3 trở thành một đơn vị giáo dục đúng với tầm vóc và vai trò chính trị của nó, xứng đáng với niềm tin yêu và là một địa chỉ tin cậy của nhân dân và các thế hệ học sinh , cũng như của các cấp, các ngành !